Những lý lẽ để nhìn đời bằng một thái độ nghiêm túc, u ám và không bao giờ mỉm cười quả thực rất thuyết phục: chúng ta là một giống loài đầy tội lỗi, chúng ta liên tục gieo rắc nỗi đau lên nhau, lòng tham và sự tàn nhẫn của con người là không có giới hạn. Tâm trí chúng ta thì yếu đuối, thất thường, khó kiểm soát. Không một ai đi qua cuộc đời mà không mang trong mình những vết thương, và mỗi ngày đều chất chồng bao điều tệ hại cho đến khi chuyện tồi tệ nhất xảy ra. Những người có thể mỉm cười giữa cái thế giới hỗn độn này, hẳn là vẫn còn quá ngây thơ hoặc cố tình tự dối mình.
Thế nhưng, một trong những kết luận kỳ lạ nhất mà chúng ta có thể rút ra, sau khi đã nếm trải đủ mọi đau khổ trên đời, đó là vẫn có thể sống một cuộc đời nhẹ nhàng giữa bão giông. Không phải vì ta không biết đến những bất công, những sai lầm khốn khổ hay sự dang dở của vạn vật, mà là vì ta biết rõ tất cả. Khi ta đã quá quen thuộc và mệt mỏi với nỗi tuyệt vọng, sự đối diện với khó khăn bỗng trở thành một tuyên ngôn phản kháng đầy mạnh mẽ.
Đó là nụ cười không dành cho những ai chưa từng rơi nước mắt, mà là của những người đã khóc suốt bao năm tháng, của những ai từng dẫm nát mọi hy vọng đẹp đẽ, từng mắc phải sai lầm khủng khiếp và đã trả giá đắt cho chúng. Đó là nụ cười của những người từng nghĩ đến việc buông bỏ tất cả nhưng rồi, vào giây phút cuối cùng, lại chọn ở lại. Không phải vì còn tin vào cuộc sống tươi đẹp, cũng không phải vì mong chờ điều gì lớn lao từ bản thân, mà vì giữa cái đống hỗn độn ấy, ta bất giác nhận ra bầu trời hôm nay xanh trong lạ thường, bản hòa tấu cello của Bach thật dịu dàng, hay có một cô bé bốn tuổi nắm tay mẹ và tò mò hỏi: “Mẹ ơi, vịt ngủ như thế nào hả mẹ?”. Và thế là, bất chấp tất cả, nỗi cô đơn, sự xấu hổ, những thỏa hiệp, sự căm ghét bản thân và cả nỗi đau chưa bao giờ dừng lại, ta vẫn quay về phía ánh sáng, nói một lời "vâng" thật to và kiêu hãnh với vũ trụ này (dù nó chẳng bận tâm).
Có đôi khi, những người tốt bụng khuyên ta nên vui lên bằng những lời ngọt ngào như: “Bạn xứng đáng với những điều tốt đẹp”, “Bạn thật đáng yêu”, hay “Bạn mang trong mình một phần thiêng liêng của vũ trụ”. Cầu mong những lời ấy giúp ích được ai đó. Nhưng với phần còn lại của chúng ta, vẫn còn một cách khác: cách này không dựa trên những lời an ủi sáo rỗng mà dựa trên việc nhìn thẳng vào bóng tối và quyết không để nó làm ta run sợ. Chúng ta tự nâng mình lên bằng cách chấp nhận một cách thanh thản rằng: đương nhiên và không thể thay đổi, ta là những kẻ ngốc nghếch, thế giới này phần lớn đầy rẫy những điều kinh khủng, và gần như chẳng có gì bao giờ suôn sẻ... nhưng ta vẫn sẽ tiếp tục bước đi. Chúng ta trở thành kiểu người hiểu rằng việc sắp xếp lại những chiếc ghế trên con tàu Titanic không hề vô nghĩa, vì tiếng đàn violin ngân vang khi đó vẫn thật tuyệt vời, và bởi mọi thứ vẫn còn một chút thời gian trước khi mặt nước băng giá tràn vào đôi ống quần lịch lãm của ta. Những nốt nhạc cuối cùng ấy xứng đáng được vang lên trong đêm Bắc Cực tĩnh mịch.
Phía sau cái thái độ nhẹ nhàng này không phải là sự ngây ngô mà là một tâm hồn đã thấm thía mọi nỗi đau trần thế và rồi vượt qua nó. Ta có thể hiểu rõ tinh thần ấy qua hai kiệt tác nghệ thuật. Một là bức tranh của Velazquez năm 1632, khắc họa khoảnh khắc bi thương nhất trong lịch sử Kitô giáo. Một là cảnh cuối trong bộ phim của Monty Python năm 1979, khi một kẻ vô danh đang bị đóng đinh trên thập giá, lại ngang ngạnh hát: "Cuộc đời chỉ là một mớ hỗn độn khi bạn nhìn vào nó. Hãy luôn hướng về mặt tươi sáng của cuộc đời, chu môi lên và huýt sáo một bài."
Chiến lược này đòi hỏi ta phải đối diện với sự khắc nghiệt của cuộc sống rồi giành lại quyền kiểm soát bằng sự mỉa mai sâu sắc. Trong thời Trung Cổ, người ta kể rằng những kẻ tử tù trên đoạn đầu đài thường quay xuống đám đông và đùa một câu về số phận mình. Freud từng nhắc đến một người bị dẫn ra pháp trường nói: “Ừm, có vẻ ngày hôm nay bắt đầu khá suôn sẻ nhỉ.” Hay một quý tộc Pháp thời Cách mạng nhìn lên máy chém và hỏi: “Các ông chắc chắn thứ này an toàn chứ?” Thay vì để nỗi sợ gặm nhấm, những kẻ hài hước ấy đã biến sự thật thành trò đùa, tước đi cái gai sắc nhọn của nó bằng chính sự kiên cường của mình.
Sự nhẹ nhõm thực sự bắt đầu khi ta ý thức được sự vô nghĩa tột cùng của bản thân giữa vũ trụ bao la: chẳng có điều gì ta từng làm, từng nói, từng nghĩ là quan trọng cả. Chính cái tôi to lớn đã khiến ta ảo tưởng mình có giá trị rồi lại giày vò ta khi ta thấy mình không đủ quan trọng. Sẽ chẳng ai hiểu ta hay yêu ta trọn vẹn, đó không phải lời nguyền cá nhân mà là một quy luật bất biến của tự nhiên. Những điều ta khao khát nhất hoặc sẽ chẳng bao giờ đến, hoặc nếu có cũng sẽ gây thất vọng. Đã đến lúc ta ngừng than khóc như thể mọi thứ có ý nghĩa hay từng có một con đường khác tốt đẹp hơn. Hãy thương chính mình, rồi đổi hướng. Bi kịch là lẽ thường tình. Khổ đau là mặc định. Cuộc đời đầy những điều vô lý. Vậy thì hãy khiến chính mình bất ngờ bằng một nụ cười bất cần, nụ cười phải mất cả một đời khổ đau mới hoàn thiện được.
Nguồn: The School Of Life