[PHIM] EL SACERDOTE (1978) – VỊ LINH MỤC TỰ CẮT DƯƠNG VẬT CỦA MÌNH ĐỂ "DIỆT DỤC"
El Sacerdote/The Priest (Eloy de la Iglesia, Spain, 1978).
Có những bộ phim mà sau khi xem xong, người ta không thể nào quên được. Không phải vì nó hay theo kiểu giải trí, mà vì nó chạm vào một cái gì đó rất thật, rất sâu, đôi khi rất đau ở bên trong mình…
El Sacerdote – Vị Linh Mục, của đạo diễn Eloy de la Iglesia là một tác phẩm như vậy. Nó giống như nhát dao giải phẫu, lạnh lùng và chính xác, mổ xẻ bi kịch của một con người để làm lộ ra vết thương đang thối rữa của cả một hệ thống xã hội.
I. CHA MIGUEL
Cha Miguel (Simón Andreu thủ vai) là một hình mẫu gần như hoàn hảo. Ngài đẹp trai, tốt lành, và tin vào mọi điều mà ngài được dạy dỗ. Ngài là sản phẩm lý tưởng của một thời đại mà ở đó, Giáo Hội và nhà nước độc tài Franco gần như là một. Đức tin của ngài, vì thế, không chỉ là một mối tình thân mật với Thiên Chúa. Nó giống như một bộ quy tắc, một chiếc áo giáp sắt kìm giữ con người thật của ngài lại. Nhưng bên dưới lớp áo chùng đen và vẻ ngoài điềm đạm ấy, là một con người đang bị cầm tù, đang bị thiêu đốt bởi những ham muốn tình dục mà cái hệ thống ngài phụng sự gọi là “tội lỗi”.
Bi kịch của ngài bắt đầu nảy mầm từ chính nơi linh thiêng nhất: tòa giải tội.
Trong không gian thiêng liêng và kín đáo ấy, khi lắng nghe những tâm sự của Irene (Esperanza Roy), một nữ giáo dân, một cái gì đó đã trỗi dậy bên trong ngài. Sự cảm thông của một vị linh hướng đã bị lấn át bởi nỗi khao khát của một người đàn ông. Ngài rơi vào lưới tình. Và từ giây phút đó, một cuộc chiến không khoan nhượng đã bùng nổ ngay trong chính cõi lòng ngài.
II. SỰ DỒN NÉN CỦA TÂM THỨC
Tác phẩm đã khắc họa về cơ chế dồn nén của tâm lý con người. Khi bạn càng cố gắng chối bỏ, đè nén các nhu cầu tâm lý bằng thái độ cực đoan, chúng sẽ không biến mất mà chỉ bị che khỏi tầm nhìn của bạn. Hơn hết, các năng lượng trồi sụt chưa được thừa nhận và chuyển hóa ấy có xu hướng tích lũy, biến dạng, méo mó, lẩn khuất,… trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong tâm trí và quay trở lại tấn công bạn với muôn kiểu cách thức không lường trước, tinh vi hơn và mạnh mẽ hơn.
Cha Miguel không thể làm gì hơn với tình cảm của mình, nhưng cũng không thể chịu đựng nổi. Ngài khó chịu, ghen tị, khi được nghe kể về chuyện một người đàn ông khác (chồng của nữ giáo dân) đã đụng chạm vào thân thể cô.
Cha Miguel bị thuyên chuyển khỏi vai trò linh hướng, bị đưa đi dạy cho trẻ em. Nhưng sự dồn nén đã biến tâm trí ngài thành nô lệ cho nó. Dù không phải là người đồng tính, hay kẻ ấu dâm, cái nhìn của ngài trên những cặp đùi non nớt của đám trẻ (con trai) cũng nhuốm màu sắc dục tình.
Ngài không thể tìm thấy lối thoát cho tình dục ở bất cứ đâu, nên ngài nhìn thấy nó ở khắp mọi nơi. Tâm trí ngài đã bị tra tấn đến mức tuyệt vọng, bám víu vào bất kỳ hình ảnh nào có thể gợi lên sự thỏa mãn bị chối bỏ, cấm đoán.
Ngài khao khát nó với bất kỳ ai. Ngài vừa khao khát, lại vừa kinh tởm chính bản thân mình vì đã khao khát. Sự giằng co đó đẩy ngài vào tình trạng tê liệt và cô độc. Hệ thống với những giáo điều lệch lạc về “tội lỗi” đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành căn bệnh tâm thần tàn nhẫn, khiến ngài không thể tìm thấy sự thỏa mãn ngay cả với những cô gái điếm. Ngài hoàn toàn bị mắc kẹt.
Nỗ lực tự thân để nên thánh, trở thành những ngày tháng sống trong tra tấn không hồi kết. Khi trở về quê nhà để tìm kiếm sự bình yên, những ký ức lại kéo ngài về với thời thơ ấu, khi ngài còn là một cậu bé hồn nhiên, hay cùng đám nhóc vị thành niên trong làng thủ dâm và tò mò về cơ thể nhau. Có lần, đám nhóc ngài còn thủ dâm bằng việc quan hệ với một con ngỗng.
Khi xung đột giữa đức tin và ám ảnh thể xác trở nên không thể chịu đựng nổi, khi tâm trí đã bị dồn đến đường cùng, ngài đã tìm thấy giải pháp duy nhất mà một con người tuyệt vọng có thể nghĩ ra: dùng một cây kéo làm vườn, tự tay cắt đi dương vật của mình.
III. KHÔNG PHẢI TỘI DÂM DỤC, MÀ LÀ “BẤT TÍN”
Chúng ta phải trắc ẩn với nhân vật để hiểu rằng, đây không phải là cảnh huống để đưa ra một lựa chọn lý trí. Đây là bước đường cùng của một tâm hồn đã lạc lối từ đầu, cho đến khi này, nó mới hoàn toàn sụp đổ. Tự hủy hoại thân thể là hậu quả rất logic của một đức tin điên loạn bấy lâu nay.

Trong tâm trí đã bị chiếm hữu và liên tục bị tra tấn bởi lòng tham “đạo đức”, cái dương vật bình thường bỗng trở nên bất thường, nó không còn được nhìn thấy như một bộ phận trên cơ thể khỏe mạnh. Nó được nhìn nhận như hiện thân vật lý của ma quỷ, là công cụ của tội lỗi, là nguồn gốc của mọi giằng xé nội tâm, là “kẻ thù bằng xương bằng thịt”, là cái thực thể đang ngăn trở tiến trình thánh hóa của linh hồn.
Khi không thể chiến thắng “cám dỗ” nơi tâm tưởng, cha Miguel đã chọn cách “diệt dục” trên bình diện vật lý.
Ngài hét lên và ngã quỵ vì nỗi đau thấu trời khi tự hoạn dương vật mình. Thật may, anh em đã kịp thời phát hiện và đưa ngài đi cấp cứu. Dương vật đứt lìa không thể nối lại, các bác sĩ phẫu thuật đã cố gắng làm một đường ống nhân tạo nhằm giữ lại chức năng bài tiết.
Dưới lăng kính đức tin, đây là một bi kịch kép.
Thứ nhất, đó không phải là sự khổ chế (mortification) mà là sự tự hoại (mutilation). Khổ chế của các vị thánh đến từ tình yêu, nhằm “huấn luyện” thân xác để hướng toàn bộ con người về với Chúa. Còn hành động của Cha Miguel đến từ sự kiêu ngạo, căm ghét và tuyệt vọng.
Thứ hai, đó là sự xúc phạm đến chính Thiên Chúa, vì nó chà đạp lên sự tốt lành của thân xác, vốn là Đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. 1 Cr 6:19). Và cuối cùng, bi kịch lớn nhất của ngài không nằm ở tội dâm dục, mà nằm ở tội tuyệt vọng (despair). Cha Miguel đã mất đi niềm tin vào ân sủng chữa lành của Thiên Chúa. Ngài đã chọn cây kéo làm vườn thay vì chọn lòng thương xót. Hành động tự hủy hoại ấy không phải là một sự điên rồ ngẫu nhiên. Nó là kết quả tất yếu của hệ thống/môi trường sống và mục vụ đã đẩy con người đến chỗ phải tự tay hủy hoại cơ thể mình, nhằm thỏa mãn tham vọng đạo đức theo tiêu chuẩn thế gian. Nhưng đó lại là cách đẩy nhanh tiến độ thối nát của một linh hồn đã mục rữa lâu nay.
IV. ĐẶT NIỀM TIN TRỞ LẠI VÀO CON NGƯỜI
Nhưng bộ phim không kết thúc trong bóng tối. Sự hủy hoại thể xác, một cách trớ trêu, lại mở ra cho Cha Miguel một cơ hội giải thoát về tinh thần.
Cảnh giáo xứ chỉ còn lại vài linh mục, một số đã chọn cuộc sống gia đình, số khác đã rời bỏ chức thánh, là một ẩn dụ mạnh mẽ cho sự suy tàn của một hệ thống ngột ngạt.
Xem phim trên Youtube, tại đây:
Cha Miguel cũng rời đi. Nhưng ngài không từ bỏ đức tin. Ngài chỉ thực hiện một cuộc “chuyển hướng” đức tin. Ngài không còn gửi gắm đức tin cho một thể chế đã trở nên bệnh hoạn, áp bức. Thay vào đó, ngài đặt niềm tin trở lại vào những giá trị phổ quát: con người, tình yêu, và tìm kiếm sự tự do.
Câu nói cuối cùng của ngài với Irene:
“Thật khó để được tự do ở đất nước này, nhưng đó là mục tiêu mà chúng ta phải theo đuổi trên hết mọi thứ khác,”
Câu nói cuối cùng của Cha Miguel không chỉ đơn thuần kết nối bi kịch cá nhân của ngài với cuộc đấu tranh chung của một dân tộc. Nó chính là sự hợp nhất của hai cuộc đấu tranh đó. Nó khẳng định rằng, cuộc đấu tranh để giải phóng một quốc gia khỏi ách độc tài chính trị và cuộc đấu tranh để giải phóng một tâm hồn khỏi sự xiềng xích của giáo điều và mặc cảm tội lỗi, thực chất là một. Bạn không thể thực sự tự do về mặt tinh thần khi đang sống trong một xã hội bị áp bức. Và một xã hội sẽ không bao giờ thực sự tự do, nếu mỗi cá nhân trong đó vẫn còn là nô lệ cho những nhà tù vô hình trong chính tâm trí mình.
Đó là bài học được viết nên từ máu và nước mắt, là chân lý mà Cha Miguel đã phải trả giá bằng chính một phần thân xác mình để có thể thốt nên lời.
El Sacerdote là một bộ phim phi thường. Nó là ngôn ngữ mạnh mẽ để diễn tả sự tàn bạo của một hệ thống vô hình, cho thấy những ý thức hệ lớn lao như chủ nghĩa độc tài hay quyền lực của một tôn giáo bị chính trị hóa có thể gặm nhấm, làm tổn thương và đẩy một con người đến chỗ phải tự hủy hoại mình như thế nào.
Và tác phẩm để lại trong tôi nhiều câu hỏi day dứt:
Khi một hệ thống nhân danh đức tin để bóp nghẹt nhân tính, thì đâu mới là tội lỗi thực sự?
Tội lỗi nằm ở bản năng của một con người, hay đang được gia cố bởi một môi trường sống, ngay từ trong trứng nước đã không cho con người ta một lối thoát nào khác ngoài việc tự đóng đinh chính mình?
Một tác phẩm đáng kinh ngạc!