MỘT CÁCH SỐNG HIỀN MINH GIỮA NHÂN GIAN HUYỀN NHIỆM - (HIỆP Ý VỚI ĐỨC TGM: FULTON J. SHEEN)
Khởi đầu cho sự khôn ngoan không nằm trong sách vở hay bằng cấp, mà ở trong một tâm hồn ngay thẳng và tinh sạch, mở lòng ra trước Thiên Chúa, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.
MỘT QUYỂN VỞ TRẮNG
Khi một con người cất tiếng khóc chào đời, tâm trí họ như một quyển vở trắng tinh khôi, chưa hề ghi một nét chữ nào. Cả một chuyến lữ hành, dù dài hay ngắn, dù hạnh phúc hay đau khổ, thực chất chính là hành trình trải nghiệm và ghi vào những trang giấy của cuộc đời mình. Ta ghi vào đó những trải nghiệm, kinh nghiệm, chân lý, bài học,… và cả sự hiền minh (wisdom).
Tuy nhiên, những gì một người học hỏi được, không chỉ đơn thuần do trí thông minh, năng lực hay sự cố gắng tự thân, mà quan trọng hơn, nó phụ thuộc vào hai điều thiết yếu: mức độ tinh sạch mà họ giữ gìn nơi tâm hồn, và phẩm chất của những người được phép ghi dấu vào tâm hồn ấy.
Trang giấy trắng ấy chính là đời sống nội tâm mỗi người, là sức ảnh hưởng của cái tôi lên linh hồn. Nó được giữ gìn trong sạch hay bị vấy bẩn không phải do hoàn cảnh sống bên ngoài, mà phụ thuộc vào từng quyết định luân lý hằng ngày của ta.
Ta thường cho rằng, kẻ thất học là do thiếu học hành, thiếu sách vở. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Kiến thức từ trường lớp, sách vở không bảo đảm rằng một người sẽ trở nên khôn ngoan thật sự.
Có những người bằng cấp rất cao, được tôn vinh như những trí thức lỗi lạc, nhưng vẫn thiếu đi sự hiền minh đích thực nếu lối sống không đàng hoàng tử tế.
Một lối sống lệch lạc làm mờ tối tâm trí, một tâm trí méo mó khiến người ta không thể đón nhận chân lý cách trọn vẹn.
HAI NĂNG LỰC CỦA TÂM TRÍ
Tâm trí con người vận hành với hai năng lực chính yếu. Một là năng lực suy tưởng – khả năng suy xét, tìm hiểu sự vật và nhận thức chân lý.
Hai là năng lực ý chí – nơi chân lý ấy được chuyển hóa thành hành động, thành sự chọn lựa và quyết định sống. Một người có thể rất giỏi tư duy, ngay cả khi đời sống luân lý không tốt.
Một nhà khoa học tác phong nghiêm túc, y có thể được gọi là người thành công nhờ tiếng tăm từ những nghiên cứu trên tạp chí Quốc Tế, nhưng có thể chưa thành nhân nếu đó chỉ là cái vỏ che đậy cho cách sống không đàng hoàng tử tế, yêu đương không chân thành và thường trốn tránh trách nhiệm trong tương quan. Khi buộc phải đưa ra phán đoán, chỉ dẫn hoặc định hướng cho người khác, cách sống hai mặt ấy sẽ làm nhiễu sự sáng suốt của họ. Trước khi ta quyết định tin vào bất kỳ ai – dù là nhà tâm lý – điều quan trọng nhất vẫn là nhìn sâu vào cách họ sống. Kiến thức chuyên môn có thể chính xác, nhưng bài giảng phát xuất từ một tâm hồn bất ổn thì khó lòng đáng tin.
Chính Đức Giêsu đã cảnh tỉnh rrất rõ ràng: Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống (Ga 5,40). Ngài không nói họ thiếu kiến thức, không thông minh hay thiếu trí tuệ, mà chỉ ra rằng chính cách sống bất nhất đã ngăn cản họ tiếp nhận chân lý từ Ngài.
BA NGƯỜI THẦY LỚN
Muốn thực sự lớn lên trong tuệ giác, một tâm hồn trong sạch thôi chưa đủ, mà còn cần sự hướng dẫn của những người thầy hiền minh. Con người học từ ba nguồn chính trong đời: từ tự nhiên để trở thành nhà khoa học; từ con người để trở thành nhà trí thức hay nhà nhân văn; và từ Thiên Chúa để lãnh nhận tuệ giác trọn vẹn nhất.
Hầu hết chúng ta dễ dàng tiếp nhận bài học từ tự nhiên hoặc từ những kinh nghiệm của người khác. Nhưng nhiều người lại từ chối các huyền nhiệm – những chân lý vượt xa khả năng lý luận thông thường, do Thiên Chúa mặc khải. Họ cho rằng huyền nhiệm trái ngược với lý trí, nhưng thực ra, huyền nhiệm là điều vượt lên trên lý trí, chứ không hề chống lại nó. Huyền nhiệm như một ống kính viễn vọng, không làm tổn thương thị lực, mà mở ra một chân trời rộng lớn, vô tận, nơi lý trí đơn thuần không thể với tới. Kiêu hãnh của con người, tiếc thay, lại chính là bức tường ngăn cản họ đón nhận ánh sáng từ những chân trời cao rộng ấy.
G.K. Chesterton từng có một hình ảnh tuyệt đẹp khi nói về huyền nhiệm trong tự nhiên: đó là mặt trời. Mắt ta không thể nhìn trực tiếp vào mặt trời vì ánh sáng quá chói chang, nhưng chính ánh sáng đó giúp ta nhìn thấy rõ mọi vật chung quanh.
Cũng vậy, dù ta không thể hiểu hết được bản tính Thiên Chúa, ánh sáng từ những chân lý Người mặc khải lại soi sáng mọi góc khuất trong cuộc đời ta: huyền nhiệm của tương quan, đơn độc, con người, khổ đau, cái chết, cảm xúc, ý nghĩa sống và cả huyền nhiệm của việc sinh ra trên đời...
Trong cuộc sống có hai kiểu khôn ngoan đối lập nhau. Tuệ giác của thế gian nói: “Cuộc đời chỉ có một lần, hãy sống cho thỏa thích đi.” Nhưng sự hiền minh của Thiên Chúa nhìn nhận cuộc sống này như giàn giáo chuẩn bị cho hạnh phúc vĩnh cửu. Với cái nhìn ấy, mỗi đau khổ, mỗi niềm vui, mỗi cuộc gặp gỡ hay chia ly đều trở thành bậc thang dẫn đưa ta về nhà Cha nơi Quê Trời. Để lãnh nhận được sự khôn ngoan ấy, người ta cần sống một đời sống khiêm hạ, ngay lành và chân thật, như Đức Giêsu đã dạy: “Ai muốn làm theo ý của Người, thì sẽ biết rằng đạo lý ấy là bởi Thiên Chúa hay do tôi tự mình giảng dạy” (Ga 7,17).
Khi khủng hoảng ập đến, trái tim con người thường khô cứng, không dễ dàng đón nhận những điều mới, nhất là khi điều ấy đòi hỏi họ phải thay đổi cách sống. Dù giáo dục sâu rộng đến đâu, nếu một người không có lòng yêu mến chân lý, chẳng bài giảng nào giúp họ trở nên chân thật hơn. Phải bắt đầu từ một lối sống yêu chuộng sự thật, rồi sau đó, hiền minh đích thực mới có thể nảy mầm và kết trái trong tâm hồn.
Khởi đầu cho sự khôn ngoan không nằm trong sách vở hay bằng cấp, mà ở trong một tâm hồn ngay thẳng và tinh sạch, mở lòng ra trước Thiên Chúa, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.